Tàu Sao Biển và sứ mệnh huấn luyện cho sinh viên Hàng hải

Hầu hết những thủy thủ, thuyền trưởng, máy trưởng tại VN đều được huấn luyện trên con tàu Sao Biển.

Từ ngày 24 đến ngày 27/3, tàu Sao Biển thuộc Trường đại học Hàng hải Việt Nam thực hiện hành trình đưa sinh viên đi huấn luyện tại vùng biển Đông Bắc. Đây là một trong hàng nghìn chuyến tàu huấn luyện trong sứ mệnh suốt 20 năm qua của con tàu này.

20 năm qua, hầu hết những “sói biển” (người đi biển dày dạn kinh nghiệm) tung hoành trên khắp các đại dương đều đã từng trải qua quá trình huấn luyện trên con tàu này.

Chiều 24/3, 35 sinh viên các khoa Hàng hải, máy tàu biển tập trung tại cầu tàu khu vực Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng chuẩn bị cho hành trình quan trọng học tập, huấn luyện trên con tàu Sao Biển. Sau khi nhận trang phục, ổn định chỗ ở trên tàu ngay lập tức các sinh viên được tập trung quán triệt quy chế an toàn trên biển.

 

Ông Trương Minh Hải, Trưởng khoa Hàng hải Trường cao đẳng nghề VMU (Trực thuộc Trường đại học hàng hải) kiêm Thuyền trưởng tàu Sao Biển cho biết: Sinh viên Trường đại học Hàng hải được học tập, sinh hoạt theo mô hình bán quân sự nên có ý thức kỷ luật tốt. Tuy vậy, khi lên trên tàu huấn luyện, yêu cầu kỷ luật còn cao hơn một bước, nghề đi biển không cho phép bất cứ ai được lơ là, mất tập trung hay không tuân thủ kỷ luật”.

Sau khi hoàn thiện các thủ tục, 14h cùng ngày tàu Sao Biển nhổ neo thực hiện hành trình Hải Phòng – đảo Cát Bà – Vịnh Lan Hạ - Vịnh Hạ Long sau đó quay về Hải Phòng. Trong 3 ngày trên biển, tàu Sao Biển sẽ đi qua các vùng nước đặc trưng gần bờ, xa bờ để sinh viên có cơ hội rèn luyện các tình huống xử lý. Huấn luyện trên tàu Sao Biển là yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ sinh viên ngành đi biển nào của Trường đại học Hàng hải. Trong quá trình học tập, mỗi sinh viên sẽ có 2 đợt huấn luyện thực tế trên tàu này vào năm thứ 3 và năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp.

 

Tàu Sao Biển về Việt Nam và biên chế vào Trường đại học Hàng hải Việt Nam từ năm 1998 phục vụ công tác nghiên cứu, huấn luyện. Với mật độ hoạt động trung bình 1 tuần ra khơi từ 1 đến 2 chuyến, đã có hàng nghìn giảng viên, sinh viênthực tập, nghiên cứu trên con tàu này.

Thuyền trưởng Trương Minh Hải cho biết: Dù đã được đóng khá lâu nhưng con tàu do Nhật Bản sản xuất có những công nghệ vượt bậc tại thời điểm đó nên vẫn không hề lạc hậu tại thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, Trường đại học Hàng Hải không ngừng nâng cấp, tàu Sao Biển thường xuyên được bổ sung những công nghệ mới đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy. Con tàu này thường xuyên thực hiện công tác khảo sát môi trường, huấn luyện sỹ quan hàng hải, sỹ quan máy, thủy thủ đồng thời là con tàu thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học của các giảng viên.

Trong khoá huấn luyện, các sinh viên được làm quen với nề nếp tác phong nghề đi biển đồng thời được tập huấn các thao tác của nghề đi biển. Những sinh viên ngành hàng hải được trực tiếp thực tập các thao tác làm dây, cảnh báo, điều khiển… Dưới hầm tàu, sinh viên khoa Máy tàu biển được trực tiếp vận hành cỗ máy của con tàu. Sinh viên Bùi Thanh Tùng háo hức: “Thực hành trên tàu Sao Biển không chỉ là trải nghiệm một chuyến đi biển. Tại đây chúng em được thực hành thực sự, áp dụng những kiến thức lý thuyết trên bờ vào vận hành một con tàu đi biển, hành trang này rất cần thiết để chúng em chính thức vào nghề trên những con tàu vượt đại dương sau khi ra trường”.