Vì mục tiêu phát triển đô thị Hải Phòng hiện đại, văn minh

Theo kế hoạch, tháng 10-2016, thành phố Hải Phòng khởi công xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, theo hướng nối dài đường Hoàng Văn Thụ (thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng) qua khu vực các cầu tàu 11, 10 và 9 của Cảng Hoàng Diệu (Công ty CP cảng Hải Phòng) sang huyện Thủy Nguyên. Đây là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm, bởi việc xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ đánh dấu bước đột phá phát triển đô thị Hải Phòng

Bước đột phá trong phát triển đô thị Hải Phòng 
 
Với mục tiêu xây dựng khu trung tâm hành chính - chính trị thành phố Hải Phòng trở thành đại đô thị năng động và thịnh vượng bậc nhất phía Bắc Việt Nam với kết cấu giao thông, cấp, thoát nước, cấp năng lượng, chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc, cây xanh, xử lý nước thải, chất thải rắn…đồng bộ, hiện đại. Dự án xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
 
Cùng với đầu tư hạ tầng khu trung tâm chính trị - hành chính Bắc sông Cấm là xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, hệ thống đê, kè sông Cấm, hệ thống giao thông chính và hạ tầng kỹ thuật phục vụ toàn bộ khu vực Bắc sông Cấm, với quy mô 1.445,51ha, triển khai thực hiện trong 5 năm (2016-2020). Về quy mô đầu tư, cầu Hoàng Văn Thụ được dự kiến xây dựng vào tháng 10-2016. Theo ý tưởng quy hoạch, cầu Hoàng Văn Thụ nối trục Bắc - Nam thành phố (phía Nam sông Cấm) với trục chính phía Bắc sông Cấm, nối đến đường vành đai 2 và kéo dài đến thị trấn Núi Đèo, kết nối quốc lộ 10 đi Quảng Ninh. Công trình mang nét kiến trúc chuyển tiếp giữa hai khu vực phía Nam là trung tâm thành phố cũ và phía Bắc là Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Hiện, cầu Hoàng Văn Thụ được lựa chọn phương án cầu dẫn và chống va xô của cầu, theo đó, các phương án thiết kế được xây dựng dựa trên nguyên tắc hài hòa cảnh quan khu vực và các công trình lân cận; mang nét kiến trúc chuyển tiếp giữa hai khu vực phía nam và phía bắc của Hải Phòng, bảo đảm khu vực bảo tồn và phát huy giá trị khu đô thị hiện đại; công trình còn mang tính biểu tượng, trở thành điểm nhấn trên dòng sông Cấm. 
 
Tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo thành phố nhất trí cao ý tưởng thiết kế kiến trúc cầu Hoàng Văn Thụ theo hình dáng “Cánh chim biển”, cầu vòm chạy giữa sơ đồ nhịp 45m+200m+45m, cầu dài 1.197,3m; rộng 33,5m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn thô sơ và 2 lề đi bộ. Đây là dạng cầu đẹp bởi hình dáng cầu uốn lượn,  tạo nét hài hòa cảnh quan khu vực. So với các dạng cầu vòm khác thì cầu vòm chạy giữa sẽ có khả năng áp dụng nhịp lớn do tỷ lệ hợp lý giữa kiến trúc phần trên và kiến trúc phần dưới, do đó không vi phạm các điều kiện hạn chế về vùng khống chế bay cũng như tĩnh không thông thuyền. Ý tưởng thiết kế này tạo sự khác biệt với các cây cầu khác qua sông Cấm như: cầu Bính hiện tại và cầu Nguyễn Trãi, cầu Bạch Đằng trong tương lai…
 
Đáng chú ý, đường dẫn của cầu Hoàng Văn Thụ được thiết kế 2 nhánh hình tròn đối xứng, bán kính 65m, một phần của mỗi nhánh xếp chồng lên nhau. Tổng diện tích GPMB đường dẫn hơn 41.300m2. Nhánh lên và xuống cầu Hoàng Văn Thụ đều tiếp cận với đường quy hoạch ven sông Cấm. Hai nhánh lên và xuống bố trí đối xứng nhau qua cầu chính cho phép tổ chức 4 làn xe chạy 2 chiều, kết nối với đường quy hoạch ven sông Cấm.
 
Cần xây dựng lộ trình phù hợp 
 
Để thực hiện xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng giao  Ban Quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị Hải Phòng phối hợp Cảng vụ Hải Phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng hoàn thành các thủ tục theo quy định, Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, phấn đấu khởi công dự án xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ trong quý 4 -2016.
 
Đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố làm việc với lãnh đạo Công ty CP cảng Hải Phòng về tình hình SXKD của đơn vị và động viên công ty thực hiện di dời bến cảng Hoàng Diệu phục vụ xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ theo đồ án quy hoạch Khu trung tâm hành chính - chính trị thành phố Hải Phòng. Tại cuộc làm việc, lãnh đạo và cán bộ Cảng Hải Phòng ủng hộ chủ trương phát triển đô thị Hải Phòng. Tuy nhiên, cũng nêu một số băn khoăn khi tiến hành thực hiện chủ trương của thành phố, bởi Cảng Hoàng Diệu là cảng tổng hợp lớn nhất khu vực Hải Phòng, đang hoạt động hiệu quả khá. Khó khăn đặt ra là giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động tại khu bến tàu Hoàng Diệu. Hiện các dự án, các nguồn vật tư nguyên liệu đều thông qua cảng Hoàng Diệu, nếu ngay lập tức di dời, chấm dứt hoạt động Cảng Hoàng Diệu khi không có cảng khác, cảng tổng hợp thay thế sẽ rất khó khăn cho lưu thông hàng hóa qua khu vực phía Bắc. Vì vậy Công ty CP cảng Hải Phòng đề nghị, trước mắt, nên cho tạm dừng hoạt động tại ba bến tàu 11,10 và 9 để phục vụ xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, tận dụng thời gian di chuyển dần bến bốc xếp hàng rời, hàng tổng hợp, thiết bị, máy móc ra khu vực hợp lý  và được thành phố bố trí quỹ đất để duy trì lĩnh vực làm hàng rời, hàng tổng hợp, hiện duy nhất cảng Hoàng Diệu thực hiện. 
 
Mặt khác, khi thực hiện di dời cảng Hoàng Diệu, thành phố nên giữ lại một số địa danh, công trình kiến trúc liên quan đến lịch sử Cảng và thành phố Hải Phòng như Bến Sáu Kho, khu vực bến Ngự nơi Bác Hồ từ Pháp trở về nước bằng tàu biển. Đồng thời xây dựng bảo tàng Cảng Hải Phòng với quy mô phù hợp để giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa cho các thế hệ mai sau của thành phố.
 
 
Anh Tú