Khó hỗ trợ Vinalines chân hàng nội địa vì vướng quy định WTO

Không dễ để cho đội tàu biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines giành quyền vận chuyển than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện.

Việc giành được quyền vận tải than cho các dự án nhiệt điện trong nước sẽ giúp Vinalines giảm bớt khó khăn, từng bước phục hồi, tạo cơ sở để tích lũy sức mạnh nội tại, nâng cao khả năng cạnh tranh

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có văn bản phúc đáp công văn của Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc tạo cơ hội cho đội tàu Việt Nam tham gia vận chuyển và nâng cao thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong lĩnh vực vận tải biển, nước ta sẽ mở cửa đối với dịch vụ vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, trừ vận tải nội địa (vận tải ven bờ); các doanh nghiệp hàng hải nước ngoài chưa có hiện diện thương mại tại Việt Nam được cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa quốc tế cho các khách hàng Việt Nam.

“Như vậy, nếu như Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải biển theo hướng tổ chức đấu thầu trong nước đối với các hợp đồng vận chuyển than nhập khẩu theo Luật Đấu thầu năm 2013 là chưa phù hợp với các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam”, văn bản do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Trung ký nêu rõ.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty lớn trong nước tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam theo hướng tổ chức đấu thầu trong nước đối với các hợp đồng vận chuyển than nhập khẩu theo Luật Đấu thầu năm 2013.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian qua, Vinalines đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tích cực làm việc với các Tập đoàn nói trên, giới thiệu năng lực đội tàu và khả năng đáp ứng của các đội tàu Vinalines tham gia vào vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như khả năng tham gia vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện đang trong quá trình xây dựng như: Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 MR, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 MR, Thái Bình 1, Thái Bình 2…
Tuy nhiên, do biến động lớn về thị trường cung cấp nguyên liệu thô (than đá) nên chủ đầu tư của phần lớn các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam là EVN và đơn vị nhập khẩu than trực tiếp là TKV vẫn chưa chốt được hợp đồng mua bán than dẫn đến các hợp đồng vận tải đều trong quá trình chờ ký kết đồng thời các doanh nghiệp vận tải biển phải liên tục gia hạn hồ sơ dự thầu.
Trong khi đó, thông tin từ Vinalines cho biết, hiện chủ đầu tư các dự án nhiệt điện đang có chủ trương thay đổi phương thức nhập khẩu than cho các dự án từ điều kiện FOB sang C&F, theo đó các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ không chủ động được việc thuê tàu và việc giành thị phần vận chuyển cho đội tàu trong nước.

“Với thực trạng ngành vận tải biển vẫn trong thời kỳ khủng hoảng, hàng hóa quốc tế khan hiếm, đội tàu trong nước nói chung và Vinalines nói riêng đều gặp khó khăn, việc giành được quyền vận tải than cho các dự án nhiệt điện trong nước sẽ giúp Vinalines giảm bớt khó khăn, từng bước phục hồi, tạo cơ sở để tích lũy sức mạnh nội tại, nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo năng lực thực hiện chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam của Đảng và Nhà nước”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết.

Anh Minh